Chính trị gia đối lập Robert Fico cùng đảng Dân chủ Xã hội (SMER) của ông giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử cuối tuần qua ở Slovakia và nhiều khả năng sẽ thành lập chính phủ liên minh để nắm quyền. Ông Fico,ơmấtdầnđồngminhĐôngÂsaigon waterbus người theo chủ nghĩa dân túy cánh tả, vận động tranh cử với lời hứa chấm dứt hỗ trợ quân sự cho Ukraine và phản đối các lệnh trừng phạt của phương Tây nhắm vào Nga.
Chiến thắng của ông Fico đã gửi tín hiệu đáng lo ngại tới Ukraine. Slovakia từng là một trong những nước thành viên NATO đầu tiên cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine. Bratislava cũng được xem là bức tường thành trong nỗ lực hỗ trợ hậu cần cho Kiev trong suốt cuộc xung đột với Moskva.
Tuy nhiên, sự trở lại của ông Fico, người từng nhiều lần thể hiện quan điểm thân Nga trong hai nhiệm kỳ thủ tướng trước đây, có thể khiến nền tảng ủng hộ này đổ vỡ.
Trong giai đoạn tranh cử, Fico đổ lỗi cho Ukraine về cuộc chiến với Nga. Cựu thủ tướng Slovakia nói "những kẻ phát xít Ukraine" đã khiến Tổng thống Vladimir Putin phát động chiến sự, lặp lại thông điệp của Điện Kremlin.
Giới quan sát cho rằng sau khi ông Fico lên nắm quyền, chính phủ của ông nhiều khả năng sẽ quay lưng với Ukraine và xích lại gần Nga.
"Chúng tôi sẵn sàng giúp Ukraine tái thiết đất nước, nhưng sẽ không thay đổi về lập trường viện trợ vũ khí", ông Fico nói sau cuộc bầu cử, thêm rằng ông cũng sẽ tìm cách khởi động các cuộc đàm phán hòa bình Nga - Ukraine.
Ngoài cung cấp viện trợ quân sự, Slovakia cũng đã tiếp nhận hơn 100.000 người tị nạn Ukraine. Tuy nhiên, người dân Slovakia ngày càng chia rẽ về cuộc chiến. Các cuộc thăm dò cho thấy công chúng Slovakia có quan điểm cân bằng về bên chịu trách nhiệm cho xung đột, gồm Nga, phương Tây và Ukraine. Tại Slovakia, tình cảm thân Nga không phải là hiện tượng mới và nhiều người từ lâu có quan điểm tích cực về Moskva.
"Hầu hết người Slovakia, gồm cả cử tri của ông Fico, rất có thể đưa ra quyết định dựa trên những lo ngại về kinh tế", Alena Kudzko, phó chủ tịch về chính sách tại tổ chức tư vấn GLOBSEC ở Bratislava, nói. "Lời giải thích thuyết phục nhất mà ông Fico đưa ra là nếu có thể ngăn cuộc chiến ở Ukraine, tình hình sẽ tốt hơn với cả Slovakia và Ukraine".
Fico được xem là đồng minh tiềm năng của Thủ tướng Hungary Viktor Orban, lãnh đạo cánh hữu cũng có lập trường thân thiện với Nga. Do cả Slovakia và Hungary đều là thành viên Liên minh châu Âu (EU), lập trường của họ nhiều khả năng sẽ tác động lớn tới chính sách hỗ trợ Ukraine của khối, do mọi quyết định của EU đều phải dựa trên đồng thuận.
Nằm ở biên giới phía bắc Slovakia, Ba Lan cũng là quốc gia ủng hộ Ukraine nhiệt thành kể từ những ngày đầu xung đột. Tuy nhiên, thái độ đó đã phần nào thay đổi khi đảng Luật pháp và Công lý (PiS) cầm quyền ở Ba Lan chuẩn bị cho cuộc bầu cử vào giữa tháng 10 và muốn giành được nhiều lá phiếu nhất có thể từ cử tri.
Để lôi kéo sự ủng hộ, PiS không ngần ngại chĩa mũi dùi công kích vào Ukraine. Phó thủ tướng Ba Lan Jaroslaw Kaczynski đã chỉ trích hành động giết hại người Ba Lan của Ukraine trong Thế chiến II "thậm chí tồi tệ hơn cả nạn diệt chủng của Đức". Quan chức địa phương của đảng PiS cũng có những bình luận chống Ukraine trên mạng xã hội.
Đảng cực hữu Liên minh Tự do và Độc lập mà PiS nhiều khả năng phải hợp tác sau cuộc bầu cử tới công khai kêu gọi đẩy người tị nạn Ukraine về nước. Song giới quan sát cho rằng điều đáng lo ngại nhất là tình đoàn kết với Ukraine nguy cơ suy giảm mạnh khi những lời kêu gọi chống người di cư ngày càng được ủng hộ trong dư luận Ba Lan.
Piotr H. Kosicki, phó giáo sư sử học tại Đại học Maryland, Mỹ, nhận định nhiều người Ba Lan cho rằng mức độ ủng hộ của họ cho Ukraine đã "tới ngưỡng" và cần phải dừng lại, đặc biệt là khi quan hệ hai nước leo thang căng thẳng về vấn đề ngũ cốc.
Liên minh châu Âu (EU) hồi tháng 5 cho phép 5 thành viên gồm Bulgaria, Hungary, Ba Lan, Romania và Slovakia cấm nhập khẩu lúa mì, ngô, dầu hạt cải và hạt hướng dương Ukraine, song cho phép nông sản Ukraine quá cảnh để xuất khẩu đi các nơi khác, kể cả các nước EU. Lệnh cấm hết hạn vào ngày 15/9.
Tuy nhiên, Ba Lan, Hungary và Slovakia tuyên bố tiếp tục đơn phương duy trì biện pháp hạn chế với ngũ cốc Ukraine, bất chấp lời kêu gọi từ EU và phản đối của Kiev. Warsaw giải thích quyết định này nhằm bảo vệ lợi ích của nông dân Ba Lan.
Trong bài tháng biểu trước Liên Hợp Quốc tháng trước, Tổng thống Volodymyr Zelensky nói một số nước châu Âu "giả vờ đoàn kết trên sân khấu chính trị, nhưng thực chất gián tiếp ủng hộ Nga". Các quan chức của đảng PiS phẫn nộ trước bình luận của lãnh đạo Ukraine, chỉ trích Kiev "vô ơn".
PiS nhiều khả năng sẽ chiến thắng trong cuộc bầu cử, khiến rạn nứt giữa Ba Lan và Ukraine ngày càng sâu rộng. Xu hướng này là điều đáng lo ngại với Kiev, theo giới quan sát.
Cuộc chiến ở Ukraine đã gây ra nhiều hậu quả kinh tế trên khắp lục địa. Lạm phát và giá năng lượng cao khiến người dân nhiều nước gặp khó khăn. Trong bối cảnh đó, các đảng có đường lối dân túy, cực hữu và thân Nga đang dần trỗi dậy qua các cuộc bầu cử. Jen Kirby, nhà phân tích của Vox, cảnh báo những gì ở Ba Lan và Slovakia có thể là tín hiệu báo trước về những khó khăn chính trị với Ukraine trong thời gian tới.
"Nỗi mệt mỏi mang tên Ukraine sẽ hiện hiện rõ trên khắp châu Âu", Kudzko nói. "Sau nhiều năm khó khăn về kinh tế, người dân nhiều nước dường như đã chạm đến ngưỡng chịu đựng".
Các chuyến công du gần đây của Tổng thống Zelensky tới Liên Hợp Quốc, Mỹ và Canada nhằm củng cố hỗ trợ của phương Tây sau đợt phản công mờ nhạt từ mùa hè đều không đạt kết quả như mong đợi.
Sự ủng hộ dành cho Ukraine đang dần cạn kiệt ở cả các láng giềng Đông Âu và những cường quốc bên kia bờ Đại Tây Dương, vào thời điểm mà Kiev rất cần sự hậu thuẫn mạnh mẽ, theo phó giáo sư Piotr H. Kosicki.
"Dù điều này xuất phát từ các nhóm chống nhập cư của Ba Lan, nhóm ủng hộ Nga của Slovakia hay quốc gia Hungary của Thủ tướng Viktor Orban, nó không quan trọng bằng điểm mấu chốt rằng những ngày đoàn kết quốc tế của Ukraine đang dần hết", Kosicki cho hay.
Thanh Tâm(Theo Atlantic, Vox, Al Jazeera)